Khi thai 23 tuần, bé đã phát triển mạnh mẽ cả về kích thước, cân nặng và chức năng các cơ quan. Bé bắt đầu có phản xạ tốt hơn, cảm nhận âm thanh và cử động rõ ràng hơn. Mẹ cũng sẽ nhận thấy thai máy nhiều hơn, cho thấy bé con đang lớn lên khỏe mạnh. Vậy thai 23 tuần phát triển như thế nào, nặng bao nhiêu là chuẩn, và mẹ cần lưu ý gì? Cùng Phòng Khám Đa Khoa Công Nghệ Cao Sài Gòn Medik tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Thai 23 tuần phát triển như thế nào?
Ở tuần 23 của thai kỳ, cơ thể thai nhi tiếp tục hoàn thiện nhiều chức năng quan trọng, chuẩn bị cho cuộc sống ngoài bụng mẹ. Lông tơ mềm mại bắt đầu bao phủ cơ thể để giữ ấm và bảo vệ làn da non nớt của con. Tùy vào yếu tố di truyền, lông tơ có thể có màu trắng, vàng nhạt hoặc sẫm, mọc ở vai, cánh tay, trán, nhưng không xuất hiện ở môi, lòng bàn tay, lòng bàn chân và móng tay.
Lúc này, lỗ mũi của bé cũng mở thông hoàn toàn, giúp bé tập hít thở ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đồng thời, phổi tiếp tục phát triển, bắt đầu tạo ra chất hoạt dịch giúp các túi khí dễ dàng giãn nở và giữ không khí khi bé chào đời.
Thai nhi 23 tuần tuổi đã cử động nhiều hơn trong bụng mẹ
>>> Bạn có thể xem thêm: Mang thai tuần thứ 24: Sự phát triển của bé và kế hoạch của mẹ bầu
Thai 23 tuần là mấy tháng?
Khi thai 23 tuần tuổi, mẹ bầu đã chính thức bước sang tháng thứ 6 của thai kỳ, tức chỉ còn khoảng 17 tuần nữa là bé yêu chào đời. Thời gian này, thai nhi sẽ lớn nhanh, dần hoàn thiện các cơ quan, chức năng trên cơ thể. Do đó, mẹ bầu không chỉ cần theo dõi sát sao các cử động của bé, mà còn cần chú trọng chăm sóc sức khỏe bản thân để giúp con yêu có điều kiện phát triển tốt nhất.
Hình ảnh thai 23 tuần tuổi và các chỉ số siêu âm quan trọng
Siêu âm thai là bước kiểm tra quan trọng giúp bố mẹ theo dõi sự phát triển của bé và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Đặc biệt khi thai 23 tuần, hầu hết các dị tật bẩm sinh nếu có ở trẻ đều có thể quan sát rõ ràng, giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của thai nhi. Nếu kết quả siêu âm cho thấy các chỉ số quan trọng dưới đây nằm trong phạm vi bình thường, mẹ có thể yên tâm bé đang phát triển khỏe mạnh:
-
Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 50 – 62mm
-
Chu vi vòng đầu (HC): 193 – 227mm
-
Chiều dài xương đùi (FL): 36 – 45mm
-
Chu vi vòng bụng (AC): 165 – 205mm
Trường hợp có bất kỳ bất thường nào, bác sĩ sẽ tư vấn hướng theo dõi và can thiệp kịp thời để đảm bảo thai kỳ an toàn. Do đó, mẹ bầu không nên bỏ qua mốc siêu âm quan trọng này để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển của bé yêu.
Hình ảnh siêu âm 4D thai 23 tuần
>>> Xem thêm: Hình ảnh thai nhi 25 tuần tuổi và những thay đổi ở mẹ bầu
Mẹ bầu 23 tuần có những thay đổi nào?
Bên cạnh sự phát triển của bé, mẹ bầu cũng sẽ nhận thấy những thay đổi rõ rệt trên cơ thể mình khi thai nhi 23 tuần tuổi. Lúc này, tử cung mở rộng và kéo dài đến khoảng 3.8 cm phía trên rốn, gây áp lực lên bàng quang, khiến mẹ dễ bị són nước tiểu ra đồ lót, đặc biệt là khi ho, hắt hơi hoặc vận động mạnh. Điều này dễ bị nhầm lẫn với rò rỉ nước ối, nên mẹ cần quan sát thật kỹ và đến ngay cơ sở y tế kịp thời nếu nước ối chảy liên tục hoặc đột ngột.
Bên cạnh đó, bầu vú cũng bắt đầu rò rỉ sữa non, dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang dần sẵn sàng cho hành trình nuôi con sau khi bé chào đời. Mẹ cũng có thể cảm thấy đau xương sườn và khó thở do khung xương giãn ra, tạo áp lực lên phổi. Ngoài ra, sự gia tăng của hormone thai kỳ progesterone ở giai đoạn thai 23 tuần cũng khiến mẹ thiếu tập trung, làm xuất hiện tàn nhang, đốm nám, rạn da và đường linea nigra chạy dọc bụng.
Đường linea nigra thường xuất hiện khi mẹ bầu 23 tuần
>>> Xem thêm: Thai 26 tuần và những điều quan trọng mà mẹ bầu cần biết
Những điều mẹ cần lưu ý khi thai 23 tuần tuổi
Mẹ bầu bước vào tuần 23 với nhiều thay đổi trên cơ thể. Do đó, để thai nhi phát triển tốt và mẹ có một thai kỳ an toàn, bác sĩ khuyến nghị một số điều mẹ cần lưu ý trong thời gian này.
Khám thai định kỳ
Việc khám thai định kỳ, đặc biệt từ giai đoạn thai 23 tuần không chỉ giúp kiểm tra cân nặng, huyết áp, nhịp tim thai, kích thước tử cung, mà còn hỗ trợ phát hiện sớm các vấn đề như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật ở mẹ qua xét nghiệm nước tiểu. Đây cũng là thời điểm quan trọng để bác sĩ đánh giá sự phát triển của bé và nhận biết kịp thời các dấu hiệu dị tật bất thường nếu có.
Thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường
Tuần 23 của thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả mẹ và bé. Lúc này, mẹ bầu sẽ có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tiền sản giật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sưng nề ở tay, chân, mặt, đau dạ dày, đau thực quản, rối loạn tầm nhìn, ngứa toàn thân, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi trong những tuần tiếp theo.
Mẹ bầu mang thai 23 tuần có nguy cơ cao gặp vấn đề tiền sản giật
Chú trọng giấc ngủ
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mẹ bầu tái tạo năng lượng, phục hồi sức khỏe và giảm căng thẳng trong giai đoạn thai 23 tuần. Mỗi ngày, mẹ nên ngủ từ 7 - 9 tiếng vào ban đêm và dành khoảng 1 tiếng cho giấc ngủ trưa để cơ thể được thư giãn. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, mẹ có thể ngủ nhiều hơn một chút để đảm bảo sức khỏe.
Song với đó, tư thế ngủ cũng rất quan trọng. Để hạn chế thai nhi đè lên các cơ quan nội tạng, mẹ nên nằm nghiêng bên trái, giúp máu lưu thông tốt hơn và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa, ruột, mạch máu. Mẹ có thể sử dụng gối chữ U hoặc gối ôm hỗ trợ có thể giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn, hạn chế tình trạng đau lưng và giúp giấc ngủ sâu hơn.
Bổ sung chất sắt
Bên cạnh việc duy trì giấc ngủ chất lượng, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng cho thai nhi 23 tuần. Đặc biệt là bổ sung chất sắt để hỗ trợ quá trình sản xuất hồng cầu và ngăn ngừa thiếu máu thai kỳ. Mẹ bầu nên tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt như gan, thịt bò, cá hồi, cùng các loại rau xanh như rau bina, cải xoong, rau cải. Những thực phẩm này sẽ giúp mẹ cảm thấy khỏe mạnh hơn, đồng thời hỗ trợ thai nhi phát triển tốt trong những tuần tiếp theo.
Bổ sung thực phẩm giàu chất sắt giúp mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh
Xoa bóp chân thường xuyên
Khi thai 23 tuần, mẹ bầu dễ gặp phải vấn đề chuột rút về đêm, gây đau đớn và ảnh hưởng giấc ngủ. Để giảm thiểu tình trạng này, mẹ nên xoa bóp chân thường xuyên, duỗi thẳng chân, uốn cong mắt cá và hướng ngón chân về phía mũi khi bị chuột rút. Ngoài ra, các mẹ nên thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng, hạn chế đứng lâu, chườm ấm và uống đủ nước cũng giúp cải thiện đáng kể.
>>> Bạn có thể xem thêm: Thai 27 tuần: Bé phát triển ra sao? Mẹ bầu cần lưu ý những gì?
Những câu hỏi thường gặp ở thai kỳ tuần 23
Ngoài những thông tin vừa nói trên, không ít mẹ bầu 23 tuần cũng có những thắc mắc về các vấn đề như:
Thai nhi 23 tuần nặng bao nhiêu kg?
“Thai 23 tuần nặng bao nhiêu?” luôn là câu hỏi của nhiều mẹ bầu. Trung bình cân nặng thai nhi 23 tuần là 565g và chiều dài khoảng 30,6 cm, tương đương với một quả cà tím. Tuy nhiên, số liệu này không phải quy chuẩn chung cho tất cả các bé, cân nặng thực tế của thai nhi sẽ dao động tùy theo cơ địa và chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu.
Thai nhi 23 tuần tuổi biết làm gì?
Khi thai 23 tuần, bé đã có thể tự do di chuyển và thay đổi tư thế trong bụng mẹ. Bé có thể nằm theo tư thế ngôi mông, tức là mông hướng xuống dưới và đầu hướng lên xương sườn, hoặc xoay sang các tư thế khác như nằm ngang, nghiêng, chéo. Những cử động như đá chân, xoay người, vặn mình trở nên rõ ràng hơn, giúp mẹ cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của con yêu.
Thai nhi 23 tuổi thường nằm theo tư thế ngôi mông
Thai 23 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg là chuẩn?
Thai 23 tuần mẹ bầu thường tăng từ 5 – 7 kg, nhưng mức tăng có thể khác nhau tùy vào cơ địa, dinh dưỡng và BMI của mẹ trước khi mang thai. Quan trọng nhất là duy trì cân nặng hợp lý để thai nhi phát triển khỏe mạnh. Nếu lo lắng, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất.
Như vậy, thai 23 tuần là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của bé và hành trình mang thai của mẹ. Do đó, để có những tháng cuối thai kỳ khỏe mạnh, mẹ hãy chú ý duy trì thói quen khám thai định kỳ, chế độ dinh dưỡng khoa học và nghỉ ngơi một cách hợp lý nhất. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng ngần ngại liên hệ hoặc đến ngay Phòng Khám Đa Khoa Công Nghệ Cao Sài Gòn Medik để được thăm khám, điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
>>> Bạn có thể xem thêm: Các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu chắc chắn phải biết
Bình luận bài viết