Hầu hết mẹ bầu, đặc biệt những ai lần đầu mang thai, đều rất lo lắng trước hiện tượng thai lưu bởi những tổn thương sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần mà nó gây ra. Vậy thai lưu là gì, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau lòng này? Hãy cùng tìm hiểu rõ ngay trong bài viết dưới đây để có cách phòng tránh hiệu quả, giúp con yêu khỏe mạnh, bình an chào đời nhé!
Thai lưu là gì?
Thai lưu (Stillbirth) là tình trạng thai nhi ngừng phát triển và không còn sự sống trong bụng mẹ từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi. Lúc này, thai không thể tiếp tục phát triển và chào đời bình thường được nữa, mà sẽ lưu lại trong tử cung một thời gian ngắn trước khi được đẩy ra ngoài. Tuổi thai càng lớn thì thời gian thai chết lưu trong tử cung càng ngắn, nếu mẹ không sớm nhận biết dấu hiệu thai chết lưu và xử lý kịp thời sẽ để lại biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Dựa theo tuổi thai, thai lưu được chia thành 3 loại chính:
-
Thai lưu sớm: xảy ra khi thai nhi tử vong trong bụng mẹ từ tuần thứ 20 đến hết tuần thứ 27.
-
Thai lưu muộn: thai chết lưu ở giai đoạn từ tuần thứ 28 đến hết tuần thứ 36 của thai kỳ.
-
Thai lưu đủ thời gian: tình trạng thai nhi 37 tuần tuổi trở lên nhưng không may tử vong trước khi được sinh ra.
Thai lưu là tình trạng thai nhi không còn sự sống trong bụng mẹ
Những nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu
Rất nhiều mẹ bầu thắc mắc tại sao thai lại chết lưu, nhưng không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể tìm ra lý do rõ ràng. Bên cạnh những trường hợp đó, hiện tượng thai lưu vẫn thường liên quan đến một số vấn đề phổ biến như:
Vấn đề ở mẹ
Sức khỏe mẹ bầu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Khi mẹ mắc các bệnh lý hoặc có lối sống không lành mạnh, nguy cơ thai lưu sẽ tăng cao. Dưới đây là một số vấn đề ở mẹ có thể dẫn đến thai chết lưu:
-
Bệnh mãn tính: Các bệnh như suy gan, viêm thận, lao phổi, thiếu máu, cao huyết áp, bệnh tim có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi.
-
Bệnh nội tiết: Rối loạn chức năng tuyến giáp (suy giáp, basedow), tiểu đường, thiểu năng hoặc cường năng tuyến thượng thận đều có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
-
Nhiễm trùng và ký sinh trùng: Các bệnh như nhiễm độc, sốt rét, viêm gan, giang mai, quai bị, cúm, sởi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, thậm chí dẫn đến thai lưu.
-
Lao động quá sức và dinh dưỡng kém: Những mẹ bầu thường xuyên làm việc nặng nhọc, chế độ ăn thiếu chất có nguy cơ cao gặp biến chứng thai kỳ.
-
Tiếp xúc với chất độc hại: Hóa chất trong thuốc trừ sâu, carbon monoxide và môi trường ô nhiễm sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
-
Bệnh máu đông: Tiền sử huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối hoặc thuyên tắc phổi trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
-
Tiền sử thai kỳ và lối sống: Thai lưu thường gặp hơn ở những mẹ từng bị thai chết lưu trước đó, lạm dụng rượu, ma túy, hút thuốc lá, béo phì hoặc mang thai khi dưới 15 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
Cơ thể mẹ mắc bệnh mãn tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thai lưu
Vấn đề ở thai nhi
Bên cạnh các yếu tố liên quan đến sức khỏe và lối sống của mẹ, những bất thường ở thai nhi cũng là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ thai lưu.
-
Rối loạn nhiễm sắc thể: Là nguyên nhân hàng đầu khiến thai dưới 3 tháng tuổi bị chết lưu. Tình trạng này có thể do di truyền từ bố mẹ hoặc xảy ra do đột biến trong quá trình tạo tinh trùng, trứng, thụ tinh và phát triển phôi.
-
Bất đồng nhóm máu Rh: Khi mẹ mang nhóm máu Rh âm và con có nhóm máu Rh dương, hệ miễn dịch của mẹ có thể tạo ra kháng thể tấn công hồng cầu thai nhi, gây thai chết lưu.
-
Dị tật bẩm sinh: Các bất thường như não úng thủy, phù rau thai, hoặc các vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc cơ thể có thể khiến thai nhi không thể phát triển bình thường, dẫn đến thai lưu.
Vấn đề về phần phụ và tử cung
Các bất thường ở dây rốn, bánh rau và tử cung cũng là một trong các nguyên nhân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Cụ thể:
-
Bất thường dây rốn: Các vấn đề như dây rốn thắt nút, xoắn quá mức, bị chèn ép, quấn cổ, quấn thân hoặc quấn chi có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất, gây thai chết lưu.
-
Bất thường bánh rau và nước ối: Bánh rau xơ hóa, rau bong non, u mạch máu màng đệm, thiếu ối hoặc đa ối đều có thể làm suy giảm chức năng nuôi dưỡng thai nhi, dẫn đến thai lưu.
-
Dị dạng tử cung: Mẹ bầu có tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển hoặc bất thường cấu trúc tử cung có thể khiến thai không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến suy dinh dưỡng thai nhi và nguy cơ thai chết lưu cao hơn.
Thiếu nước ối là một trong các nguyên nhân khiến thai tử vong trong bụng mẹ
Dấu hiệu nhận biết thai chết lưu trong bụng mẹ
Thai lưu thường khó nhận biết, nhất là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Hầu hết trường hợp được phát hiện khi kiểm tra nhịp tim thai hoặc siêu âm trong các buổi khám thai định kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể tự nhận biết sớm tình trạng thai lưu này nếu thấy một số dấu hiệu bất thường dưới đây:
-
Không còn dấu hiệu thai máy: Sau tuần thứ 20, mẹ đã có thể cảm nhận rõ từng cử động của thai nhi trong bụng. Do đó, nếu đột nhiên không thấy thai máy trong một thời gian dài, rất có thể thai đã ngừng phát triển.
-
Chiều cao tử cung không tăng hoặc bị giảm: Ở mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Nếu chỉ số này không thay đổi, thậm chí là giảm đi, mẹ cần đi thăm khám ngay.
-
Ngực giảm kích thước: Khi mang thai, ngực mẹ bầu thường bị căng tức và tiết sữa. Nếu hiện tượng này đột ngột biến mất, thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo thai đã chết lưu trong bụng mẹ.
-
Chảy máu âm đạo hoặc dịch sẫm màu: Dịch tiết bất thường kèm theo chán ăn, buồn nôn, chóng mặt, đau lưng, sốt cao hoặc mệt mỏi toàn thân cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo thai nhi trong tình trạng nguy hiểm. Mẹ cần sớm đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Dịch tiết bất thường kèm máu là dấu hiệu cảnh báo thai chết lưu
>>> Xem thêm: Top bệnh viện phụ sản tốt nhất TPHCM mẹ bầu không nên bỏ qua
Tác động của thai lưu đối với sức khỏe mẹ bầu
Thai lưu không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. Nhưng nếu được xử lý kịp thời, thai lưu thường không gây nguy hiểm cho mẹ. Tuy nhiên, trường hợp thai chết lưu nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ, khả năng cao sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, thậm chí đe dọa đến tính mạng mẹ bầu nếu không can thiệp sớm.
Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, thai lưu còn để lại những tổn thương tâm lý nặng nề. Nhiều mẹ bầu rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu kéo dài, thậm chí tự cô lập và né tránh các hoạt động xã hội. Cảm giác mất mát, tội lỗi khiến họ dễ suy sụp tinh thần, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực. Nếu không được giải tỏa đúng cách, tình trạng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến những lần mang thai sau.
Mẹ bầu nên làm gì khi bị chẩn đoán thai lưu?
Mất con là một biến cố đau lòng, nhưng khi bác sĩ xác nhận thai lưu không thể giữ, mẹ cần cố gắng bình tĩnh để thực hiện một số việc cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và chuẩn bị cho những lần mang thai sau. Việc đầu tiên là xác định nguyên nhân thai chết lưu thông qua các xét nghiệm như chọc ối, kiểm tra nhau thai, dây rốn hoặc khám nghiệm thai nhi nếu cần.
Tiếp đó, tùy vào tuổi thai, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xử lý phù hợp như chuyển dạ tự nhiên, dùng thuốc kích thích chuyển dạ, hút thai hoặc mổ lấy thai trong trường hợp đặc biệt. Sau khi can thiệp y tế, mẹ cần thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để phục hồi thể chất. Đồng thời, không quên chăm sóc sức khỏe tinh thần, chia sẻ cùng người thân để sớm vượt qua nỗi đau và sẵn sàng cho hành trình làm mẹ phía trước.
Mẹ bầu nên chia sẻ tâm sự với gia đình để sớm vượt qua nỗi buồn mất con
Cách phòng tránh tình trạng thai lưu
Mẹ bầu nào cũng mong muốn con yêu mình được khỏe mạnh chào đời. Chính vì thế, để giảm nguy cơ thai lưu và đảm bảo thai kỳ an toàn, mẹ cần chú ý một số vấn đề quan trọng trước và trong quá trình mang thai như sau:
Trước khi mang thai
Chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ thai lưu và đảm bảo một thai kỳ an toàn. Cụ thể:
-
Khám tiền sản: Nếu có ý định mang thai, mẹ nên đi khám tiền sản để bác sĩ đánh giá sức khỏe tổng quát, phát hiện các nguy cơ bệnh di truyền hay dị tật tiềm ẩn từ đó đưa ra hướng chăm sóc phù hợp. Đối với mẹ mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc cao huyết áp, việc kiểm soát bệnh từ sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ.
-
Thận trọng trong việc dùng thuốc: Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, mẹ cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh cho phù hợp. Tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc thảo dược mà chưa có sự hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
-
Bổ sung axit folic: Mẹ nên uống 400mcg axit folic mỗi ngày ít nhất một tháng trước khi mang thai. Việc này giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi và hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh trong giai đoạn đầu.
-
Tiêm phòng đầy đủ: Tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine cần thiết trước khi mang thai giúp bảo vệ mẹ và bé khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dẫn đến biến chứng thai kỳ.
Bổ sung axit folic đầy đủ trước khi mang thai giúp giảm nguy cơ thai lưu
>>> Xem thêm: Tổng hợp 9 phòng khám siêu âm uy tín và chất lượng nhất Việt Nam
Trong khi mang thai
Thời gian trong thai kỳ là giai đoạn vô cùng nhạy cảm. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu lúc này càng cần được chú trọng hơn. Để có hành trình mang thai an toàn, phòng tránh tối đa nguy cơ thai lưu trong bụng, mẹ cần đảm bảo quan tâm đến các vấn đề sau:
-
Tránh thuốc lá, rượu bia và chất kích thích: Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất gây nghiện có thể làm tăng nguy cơ thai lưu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hội chứng rượu bào thai hoặc đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
-
Theo dõi sát sao cử động thai: Từ tuần 26 – 28, mẹ nên tập đếm tần suất thai máy mỗi ngày. Nếu thai ít máy hơn bình thường hoặc ngừng cử động đột ngột trong 1 khoảng thời gian, mẹ cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
-
Ngăn ngừa nhiễm trùng: Duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, ăn thực phẩm chín kỹ, uống sôi và tiêm phòng đầy đủ giúp giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
-
Ngủ đúng tư thế: Từ tuần 28, mẹ nên ngủ nghiêng, tránh nằm ngửa để đảm bảo lưu lượng máu và oxy đến thai nhi không bị gián đoạn, giảm nguy cơ thai lưu.
-
Khám thai định kỳ: Thăm khám thường xuyên giúp bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời trước những biến chứng không mong muốn.
Hy vọng bài viết đã giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về thai lưu, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh để có một thai kỳ an toàn. Nếu mẹ đang gặp vấn đề về sức khỏe thai kỳ nào hoặc cần tư vấn chuyên sâu, hãy đến Phòng Khám Đa Khoa Công Nghệ Cao Sài Gòn Medik để được các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ tận tình, giúp mẹ bầu yên tâm đón con yêu chào đời khỏe mạnh!
>>> Bạn có thể xem thêm:
- Khám thai ở đâu tốt TPHCM? Top các địa chỉ uy tín và chất lượng
- Mang thai ngoài tử cung: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử lý
Bình luận bài viết