Thai 14 tuần đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi mẹ bước vào tam cá nguyệt thứ hai – giai đoạn thoải mái nhất của thai kỳ. Lúc này, các triệu chứng ốm nghén giảm dần, thai nhi 14 tuần tuổi cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều thay đổi đáng chú ý. Vậy dấu hiệu thai 14 tuần khỏe mạnh là gì, phát triển như thế nào và mẹ cần lưu ý gì để dưỡng thai tốt nhất? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này để có một thai kỳ an toàn và trọn vẹn nhé!
Thai 14 tuần là bao nhiêu tháng?
Khi thai nhi bước vào tuần 14, mẹ bầu chính thức bước sang tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ hai, tương đương 3 tháng 2 tuần thai kỳ. Nếu tính từ thời điểm thụ tinh, thai nhi đã phát triển được 12 tuần.
Thai 14 tuần phát triển như thế nào?
Ở tuần thai thứ 14, bé yêu có nhiều thay đổi rõ rệt cả về hình dáng và chức năng cơ thể. Đầu và thân mình của con dần được cân đối, cổ đã định hình rõ không còn gắn liền với bả vai như trước, giúp bé cử động linh hoạt hơn. Lớp lông tơ mềm bắt đầu bao phủ toàn thân để giữ ấm cơ thể. Trong khi đó, gan, lá lách và thận cũng đi vào hoạt động, hỗ trợ tạo hồng cầu, sản xuất mật và lọc nước tiểu cho bé thải ra nước ối.
Các giác quan của thai nhi 14 tuần tuổi cũng dần hoàn thiện. Tai đã dịch chuyển lên đúng vị trí, giúp bé cảm nhận rõ âm thanh từ bên ngoài. Mí mắt dù vẫn nhắm chặt nhưng đã có thể cảm nhận và phản ứng với ánh sáng. Do đó, nếu thử rọi đèn pin vào bụng mình, mẹ sẽ cảm thấy bé di chuyển để tránh tia sáng.
Cùng với đó, vị giác của bé đã bắt đầu phát triển, dù lúc này chưa có gì để nếm. Bé cũng liên tục nuốt và di chuyển nước ối qua mũi và đường hô hấp, giúp phổi dần hình thành các túi khí, chuẩn bị cho quá trình hô hấp sau khi chào đời. Về vận động, thai 14 tuần tuổi lúc này đã năng động hơn, bé dang tay chân, ưỡn người, nấc và đạp qua lại trong bụng mẹ. Một số bé còn biết mút tay, như cách tập làm quen với động tác bú mẹ sau này.
Thai nhi 14 tuần tuổi đã cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài
Dấu hiệu thai 14 tuần khỏe mạnh là gì?
Để xác định rõ sự phát triển khỏe mạnh của ở thai 14 tuần tuổi, bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố quan trọng như nhịp tim, kích thước tử cung và hình ảnh siêu âm để đánh giá chính xác tình trạng của thai nhi. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bé yêu vẫn đang lớn lên an toàn trong bụng mẹ.
-
Nhịp tim thai ổn định: Khi siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim thai để đánh giá sức khỏe của bé. Ở tuần thai 14, nhịp tim thường dao động từ 120 - 160 nhịp/phút, cho thấy hệ tuần hoàn hoạt động tốt và ổn định.
-
Tử cung phát triển phù hợp: Kích thước tử cung tăng dần theo tuổi thai, mở rộng để phù hợp với sự phát triển của thai nhi 14 tuần tuổi. Lúc này, tử cung không còn nằm thấp như giai đoạn đầu mà đã dịch chuyển lên cao hơn. Nếu chiều cao tử cung và chu vi vòng bụng nằm trong khoảng phù hợp thì bé đang phát triển ổn định, không có gì đáng lo ngại.
-
Thai nhi có phản xạ tốt: Thai 14 tuần là giai đoạn bé bắt đầu phát triển mạnh mẽ, thường trở nên hiếu động hơn. Do đó, khi siêu âm mẹ có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu thai khỏe mạnh nếu con yêu có nhiều phản xạ tự nhiên như đưa tay lên miệng mút, nhấp nháy mắt hay ưỡn mình qua lại trong bụng mẹ. Nếu thuận lợi, bác sĩ còn quan sát được hình ảnh bộ phận sinh dục thai nhi 14 tuần, nhờ đó giúp xác định giới tính sớm của con.
Nhịp tim thai 14 tuần thường dao động từ 120 – 160 nhịp/phút
Những chỉ số quan trọng của thai nhi 14 tuần qua siêu âm
Sau khi xem hình ảnh thai nhi 14 tuần tuổi và đánh giá sơ bộ các dấu hiệu ở thai, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tổng quan sự phát triển của bé thông qua các chỉ số siêu âm quan trọng dưới đây:
-
BPD (Đường kính lưỡng đỉnh): Dao động từ 19 – 31mm.
-
FL (Chiều dài xương đùi): Thường vào khoảng 14mm.
-
CRL (Chiều dài đầu - mông): Thường đạt khoảng 87mm.
-
HC (Chu vi vòng đầu): Dao động từ 91 – 103mm.
-
AC (Chu vi vòng bụng): Dao động từ 72 - 104mm.
Hình ảnh thai nhi 14 tuần tuổi qua siêu âm
Mẹ bầu 14 tuần có những thay đổi gì trên cơ thể?
Cùng với sự phát triển của con yêu, cơ thể mẹ cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi thai 14 tuần, điều này không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn tác động đến tâm lý của mẹ bầu. Cụ thể:
Những thay đổi về thể chất
Bước vào tuần 14 của thai kỳ, cơ thể mẹ sẽ có những thay đổi nhất định như:
-
Giảm triệu chứng ốm nghén: Lúc này, cơ thể đã thích nghi tốt hơn với sự có mặt của thai nhi, khiến các triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi giảm dần.
-
Cân nặng tăng dần: Mẹ bầu bắt đầu tăng từ 1,5 – 2kg mỗi tháng do thai nhi phát triển nhanh, tử cung mở rộng và cơ thể tích trữ chất béo để chuẩn bị cho giai đoạn nuôi con sau sinh.
-
Bụng bầu lộ rõ: Thai 14 tuần bụng đã to chưa luôn là nỗi bận tâm của nhiều mẹ bầu. Thực chất, lúc này tử cung đã nhô cao hơn xương mu, khiến bụng bầu 14 tuần của mẹ đã to và lộ rõ hơn so với những tuần đầu.
-
Răng miệng nhạy cảm hơn: Sự thay đổi hormone có thể khiến nướu dễ sưng và chảy máu hơn khi đánh răng, dẫn đến viêm nướu thai kỳ.
-
Táo bón: Nồng độ hormone thay đổi khiến hệ tiêu hóa chậm lại, gây khó tiêu và táo bón. Mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ, uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng để cải thiện tình trạng này.
-
Tăng tiết dịch âm đạo: Đây là hiện tượng bình thường do cơ thể tăng cường bảo vệ vùng kín, miễn là dịch không có mùi hay màu sắc bất thường.
-
Đau nhẹ ở bụng dưới: Khi tử cung mở rộng, mẹ có thể cảm thấy đau nhói hai bên bụng, đặc biệt khi thay đổi tư thế.
-
Nghẹt mũi: Nồng độ estrogen tăng cao làm sưng niêm mạc mũi, gây nghẹt mũi ở một số mẹ bầu.
-
Da dẻ thay đổi: Một số mẹ có thể thấy da mặt sẫm màu hơn, xuất hiện nám, hoặc thâm vùng bụng, nách và quanh rốn do sự gia tăng sắc tố melanin.
Da mẹ bầu 14 tuần thường trở nên thâm sạm do tăng sắc tố melanin
Những thay đổi về tâm lý
Theo thống kê, có đến khoảng 14 – 25% mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với việc trầm cảm trước sinh, đặc biệt khi những cảm xúc tiêu cực này thường bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn thai 14 tuần. Những lo lắng, tự ti về sự thay đổi vóc dáng, khó tập trung khi làm việc hay băn khoăn về cách nuôi dạy con sau sinh khiến mẹ dễ căng thẳng, bất an.
Để hành trình mang thai trở nên thoải mái hơn, mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản, hoặc trò chuyện cùng bác sĩ để chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết, cũng như một tâm lý vững vàng, khỏe mạnh trước khi đón con yêu chào đời.
Mẹ bầu nên làm gì để thai nhi 14 tuần phát triển ổn định
Thai 14 tuần được xem là giai đoạn dễ chịu nhất thai kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo hành trình phát triển của con yêu diễn ra khỏe mạnh, mẹ bầu cũng cần chú ý đến các vấn đề sức khỏe cho riêng mình như:
-
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Khi thai 14 tuần, bé đang trong giai đoạn hoàn thiện các cơ quan và tăng cường tái tạo tế bào máu. Do đó, mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu sắt, đạm (tôm, cua, cá, lạc, vừng), cholesterol không béo và vitamin A, D, C để hỗ trợ sự phát triển ổn định của bé.
-
Vận động nhẹ nhàng: Mẹ bầu có thể đi bộ, tập yoga hoặc các bài thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể dẻo dai hơn, đồng thời giúp quá trình sinh nở sau này diễn ra nhẹ nhàng.
-
Thai giáo từ sớm: Thai nhi tuần 14 15 đã có thể cảm nhận âm thanh, đặc biệt là giọng nói của mẹ. Thế nên, mẹ có thể cho bé nghe nhạc, trò chuyện hoặc đọc sách ngay từ giai đoạn này để kích thích giác quan, giúp bé phát triển trí não từ trong bụng mẹ.
-
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: Khi thai nhi 14 tuần tuổi, mẹ nên thực hiện các xét nghiệm quan trọng như kiểm tra cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, tầm soát lệch bội, đo nhịp tim thai để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé một cách toàn diện.
Giai đoạn thai 14 tuần mẹ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt
Những câu hỏi thường gặp khi mang thai 14 tuần
Ngoài các vấn đề liên đến sự phát triển của bé và những thay đổi ở mẹ vừa kể trên, không ít mẹ bầu 14 tuần vẫn còn nhiều thắc mắc rằng:
Thai 14 tuần nặng bao nhiêu?
Ở tuần thai thứ 14, thai nhi có cân nặng khoảng 93g (3.2 ounce) và chiều dài khoảng 147mm (5.7 inch), tương đương kích thước của một quả đào. Đây là mức đo trung bình và có thể thay đổi nhẹ tùy vào sự phát triển của từng bé.
Thai nhi 14 tuần biết làm gì?
Khi thai 14 tuần, bé đã có thể cử động tay chân, xoay người và đấm đá nhẹ vào thành bụng. Tuy nhiên, do kích thước còn nhỏ và nước ối nhiều, mẹ bầu vẫn chưa cảm nhận được thai máy.
Thai 14 tuần nằm ở vị trí nào?
Thai nhi 14 tuần tuổi sẽ nằm trong buồng tử cung của mẹ, vị trí tử cung lúc này đã cao hơn xương mu một chút.
Thai 14 tuần tuổi nằm trong tử cung của mẹ
Thai nhi tuần 14 cần bổ sung gì?
Đây là giai đoạn khi cơ thể bé đang trong quá trình tạo máu và hoàn thiện cơ thể. Do đó, mẹ nên bổ sung sắt, các loại thực phẩm giàu đạm (tôm, cua, cá, trứng, thịt) và vitamin A, D, C để hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển của thai nhi 14 tuần tuổi, tăng cường miễn dịch và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Mang thai 14 tuần bị ra máu có sao không?
Ra máu trong tuần thai 14 không phải là hiện tượng hiếm gặp. Nếu lượng máu ít, thời gian ngắn và không kèm đau bụng, mẹ bầu không cần quá lo lắng. Nguyên nhân có thể do chảy máu sau quan hệ hoặc polyp cổ tử cung. Tuy nhiên, nếu mẹ bị ra máu kèm theo đau quặn bụng, đây có thể là dấu hiệu dọa sảy thai và cần đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời.
Giai đoạn thai 14 tuần không chỉ đánh dấu sự phát triển toàn diện của bé mà còn mang đến nhiều thay đổi quan trọng với mẹ bầu. Do đó, để đảm bảo có một thai kỳ an toàn, mẹ cần chú trọng dinh dưỡng và thăm khám định kỳ theo đúng chỉ định. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy đến ngay Phòng Khám Đa Khoa Công Nghệ Cao Sài Gòn Medik để được tư vấn và chăm sóc tận tình nhất!
Bình luận bài viết